Khi Đề án phổ cập giáo dục Mầm non được triển khai, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh công tác xây dựng trường lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên sự “tăng trưởng” quá nóng của bậc học mầm non khiến cho nhu cầu biên chế giáo viên tăng đột biến. Đến nay đã đến giai đoạn về đích của đề án nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thể bố trí biên chế giáo viên mầm non vì còn vướng cơ chế…
Từ sự “tăng trưởng” nóng…
Thời điểm này đang vào giai đoạn “về đích” của Đề án PC GDMN cho trẻ 5 tuổi nhưng nhiều trường mẫu giáo, mầm non đã rất vất vả với công tác dạy học. Nhiều việc đổ dồn lên vai những người đang đứng lớp. Nguyên nhân chính là do thiếu GV mầm non, nhất là các lớp 2 buổi/ngày. Từ trước đến nay, tình trạng thiếu GV mầm non thường xảy ra ở các trường thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện nay tình trạng này hầu như có ở tất cả các địa phương, ngay cả vùng nội ô, thành thị… của nhiều tỉnh thành ở vùng ĐBSCL.
Ở một số địa phương trình trạng thiếu GV mầm non đang làm đau đầu các cấp quản lý. Do yêu cầu PC GDMN cho trẻ 5 tuổi nên số lượng các lớp học 2 buổi/ngày trên địa bàn tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Bước vào năm học 2015 - 2016, tỉnh Kiên Giang thiếu khoảng 1000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non thiếu đến 800 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở tỉnh này diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, cho biết: “Vấn đề thiếu GV có nhiều nguyên nhân, trước hết do bậc học mầm non ở địa phương có xuất phát điểm rất thấp, trước đây chưa có đủ trường, lớp; đến khi triển khai Đề án PC GDMN 5 tuổi thì quá trình đầu tư, xây dựng trường lớp được đẩy mạnh nên tỷ trọng tăng trưởng của ngành mầm non tăng nhanh. Đến khi có trường lớp cho cấp học mầm non rồi thì lại thiếu giáo viên”.
Theo thống kê, bậc học mầm non tỉnh Kiên Giang hiện có 2.453 nhân sự, trong đó có 175 cán bộ quản lý, 1.696 GV và 582 nhân viên hỗ trợ (không tính số hợp đồng). Do địa bàn rộng, chia cắt bởi sông rạch, biển đảo nên hệ thống trường mầm non nằm rải rác, không tập trung. Trước mắt, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang giải quyết tình thế thiếu giáo viên mầm non bằng cách hợp đồng theo phương án xã hội hóa (người dân đóng tiền chi trả cho giáo viên). Bên cạnh đó phải “xé nhỏ” bộ khung giáo viên trong các trường để phục vụ nhu cầu đang thiếu và các điểm trường “trắng” giáo viên.
Ở Cà Mau, bậc học mầm non đang cố gắng hoàn thành PC GDMN 5 tuổi. Hiện nay toàn tỉnh có 58/101 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành PC GDMN 5 tuổi, đạt 57,43%, tăng 26 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước.
Theo ông Nguyễn Minh Luân - GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết: Mạng lưới các cơ sở GDMN năm học qua phát triển khá, cơ sở vật chất có sự chuyển biến khá tốt nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ trong độ tuổi vào học. Hiện vẫn còn một số trường Mầm non, Mẫu giáo ở vùng nông thôn sâu đang gặp nhiều khó khăn (có 314 phòng học còn phải học nhờ trường Tiểu học), nhiều phòng học chưa đủ diện tích, bàn ghế chưa đúng quy cách… “Để giải quyết những khó khăn trước mắt, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia PC GDMN cho trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó phải có quy định về chế độ chính sách đối với người làm công tác PC GDMN 5 tuổi và đội ngũ làm công tác phục vụ trong trường mầm non định mức phù hợp hơn, như hiện nay là rất thấp…”.
… đến thiếu giáo viên
Thực tế nguồn GV mầm non ở các địa phương không thiếu vì hằng năm các trường CĐ Sư phạm của tỉnh, thành vẫn đảm bảo chỉ tiêu. Theo lãnh đạo ngành giáo dục một số địa phương, nguyên nhân chính là do vướng cơ chế trong việc tuyển dụng giáo viên mầm non, đặc biệt là biên chế. Do đó nhiều GV đang đứng lớp phải “gánh” lượng công việc nhiều hơn so với quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - GĐ Sở GD&ĐT Kiên Giang, Nghị định 41 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Địa phương đã ban hành tuy nhiên tới giờ này vẫn chưa được phê duyệt nên vấn đề biên chế Hội đồng nhân dân không đủ cơ sở pháp lý để giao cho ngành giáo dục. Từ đó địa phương gặp khó khăn về biên chế giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Nếu hợp đồng giáo viên ngành giáo dục cũng không có tiền trả lương, vì có biên chế thì ngân sách mới cấp lương!
Hiện nay biên chế bổ sung cho sự nghiệp công lập ở Kiên Giang nói chung và ngành giáo dục Kiên Giang nói riêng đang gặp khó. Hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương trong 3 năm qua không được giao biên chế. Trong khi đó tỷ trọng trường lớp mầm non của Kiên Giang, đặc biệt là ở các huyện, xã có xuất phát điểm thấp đã và đang tăng rất nhanh nhưng không có biên chế... Vấn đề đặt ra là có tiền xây dựng trường lớp nhưng không có người để tổ chức triển khai thực hiện giảng dạy !
Để giải quyết nhu cầu khá bức xúc về biên chế GV bậc học mầm non, bà Nguyễn Thị Minh Giang, kiến nghị: Trước hết các bộ, ngành trung ương phải phê duyệt nhanh vấn đề vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó các địa phương, các ngành có cơ sở pháp lý, đủ điều kiện bổ sung biên chế cho sự nghiệp, thực hiện đúng như định mức giáo viên hiện nay.
Đặc biệt, cả nước đang triển khai thực hiện Nghị định 108 về tinh giản biên chế, theo đó các đơn vị sẽ giảm tới 10%. Tuy nhiên đối với đơn vị sự nghiệp như giáo dục, việc tinh giản biên chế không liên quan nhiều mà quan trọng là phải bố trí theo định mức, nơi đâu có học sinh thì phải có giáo viên, không thể giảm 10% như các đơn vị hành chính được...
Ông Nguyễn Minh Luân - GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: “Để giải quyết những khó khăn trước mắt, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia PC GDMN cho trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó phải có quy định về chế độ chính sách đối với người làm công tác PC GDMN 5 tuổi và đội ngũ làm công tác phục vụ trong trường mầm non định mức phù hợp hơn, như hiện nay là rất thấp…”.
Thực tế có một số địa phương đã tháo gỡ được khó khăn trong việc bố trí GV mầm non. Đơn cử như tỉnh Đồng Tháp, năm học 2015 - 2016 tỉnh tuyển mới 321 GV mầm non. Trong đó tuyển dụng do tăng lớp ở bậc học mầm non là 299 GV và thay thế GV nghỉ hưu 22 GV. Quy trình tuyển dụng GV năm nay cũng có nhiều điểm mới, được phân chia theo thẩm quyền tuyển dụng.
Theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh, Sở tuyển GV các đơn vị trực thuộc Sở, các trường THPT, THCS-THPT, Trường THPT Chuyên, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, TT GDTX - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh, TT GDTX TP Sa Đéc. Còn UBND cấp huyện tuyển GV Mầm non, Tiểu học, THCS, GV GDTX thuộc huyện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tuyển GV GDTX cho các đơn vị Trường Trung cấp Nghề - GDTX.
Ngoài ra, theo một số lãnh đạo ngành giáo dục ở ĐBSCL, để giải quyết vấn đề biên chế GV mầm non thì UBND tỉnh, thành, Sở Nội vụ sớm phân bổ biên chế cho ngành giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đặc biệt là Trung ương cần có chính sách miễn học phí cho trẻ 5 tuổi đến khi hoàn thành phổ cập và cấp bù học phí cho các trường tư thục nhằm khuyến khích công tác xã hội hóa…
Nguyễn Hành
(haihanh@dantri.com.vn)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ được thành lập từ năm 1992 (Tiền thân là phòng Giáo dục thị xã Điện Biên Phủ). Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đang quản lý 35 đơn vị trường học bao gồm các cấp học: Mầm non 18 đơn vị (trong...